Techwear là gì

Artwork by Minh Chiến - www.facebook.com/chi3n.arc

Artwork by Minh Chiến - www.facebook.com/chi3n.arc


Mặc dù nguồn gốc của cụm từ “Techwear” xuất phát từ đâu và xuất phát khi nào vẫn còn đang có nhiều tranh luận nhưng điều không thể chối cãi là trong khoảng 15 năm trở lại đây “Techwear” đã trở thành đề tài khuấy động mạnh nền công nghiệp thời trang, và tầm ảnh hưởng của nó lên nền công nghiệp thời trang càng lúc càng gia tăng. Vậy “Techwear” là gì?

 
 

Hình trên cũng cool đó, mà KHÔNG PHẢI là Techwear nhen. Techwear là dòng thời trang mang trong mình những suy nghĩ cấp tiến, đem đến cho người mặc cả sự tiện lợi và thoải mái trong cuộc sống đô thị hiện đại. Thoáng nghe có vẻ cao siêu nhưng thực chất quần-áo-phụ kiện Techwear cũng chỉ là các sản phẩm hằng ngày nhưng khác ở chỗ từng sản phẩm được tập trung phát triển theo hướng tối ưu hoá hiệu suất của nó, thông qua những vật liệu tiên tiến, đường may, ráp độc đáo, và nhiều yếu tố khác. Techwear không phải là đồ workwear thông thường, không phải đồ thể thao (running, yoga,… ) hay đồ outdoor (hiking, mountain climbing…), càng không phải đồ quân đội. Techwear là một nhánh thời trang, một “phân loại” quần-áo-phụ kiện hoàn toàn riêng biệt với các chi tiết, ý tưởng thiết kế được phát triển từ tất cả các phân loại kể trên. (Fun fact: Techwear là tên gọi được đặt ra sau này, nó vốn được gọi là “performance menswear”)

Mình từng đề cập trong một bài viết cũ, nếu để gói gọn Techwear trong 1 cụm từ thì “Form Follow Function” (Hình thái phải tuân theo công năng). Vì thế mình xin mạn phép nói về công năng trước.

FUNCTIONS:///////////////////////////////

Mục tiêu chính cuả Techwear ra đời là giúp cho cuộc sống người mặc được dễ dàng hơn và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống môi trường trong cuộc sống hằng ngày, điều này được thể hiện thông qua 3 yếu tố công năng chính :

THOẢI MÁI (comfortable):

Một trong những thế mạnh đầu tiên của techwear là chất liệu. Các nhà thiết kế luôn sử dụng các loại vật liệu có những yếu tố đặc biệt tiên tiến hơn những loại vải thông thường như khả năng khử mùi hôi, kiểm soát nhiệt độ cơ thể, kháng nước, bền ít bị mòn, phản quang… cho sản phẩm của mình.

 
hình ảnh minh hoạ - công nghệ vải Windstopper của GoreTex cho phép cản gió, kháng nước đồng thời cũng giúp cơ thể thoát nhiệt.

hình ảnh minh hoạ - công nghệ vải Windstopper của GoreTex cho phép cản gió, kháng nước đồng thời cũng giúp cơ thể thoát nhiệt.

 

Có hai yếu tố chính mà các nhà thiết kế thường đặt lên hàng đầu khi lựa chọn nguyên liệu là yếu tố kháng nước và yếu tố thoát nhiệt. Cả hai yếu tố đó thường đi chung với nhau vì ngoài việc bảo vệ cơ thể, ngăn nước và gió xâm nhập vào bên trong là không đủ, các sản phẩm Quần-Áo Techwear còn phải cho phép cơ thể được “thở,” được thoát nhiệt, nếu không thì một bộ đồ Techwear sẽ không khác gì cái phòng tắm hơi di động.

hình ảnh minh hoạ - Nikelab Acg 2 In 1 Trench coat từ FW15 dưới trời tuyết trong lookbook của Hanon shop

hình ảnh minh hoạ - Nikelab Acg 2 In 1 Trench coat từ FW15 dưới trời tuyết trong lookbook của Hanon shop

Không dừng ở vải vóc, cả hardware (nút áo, zip, buckle…) được sử dụng trong thiết kế cũng luôn được cân nhắc để góp phần củng cố độ bền hoặc hỗ trợ thêm cho yếu tố “Tiện Lợi” của sản phẩm. 

Biên Độ Cử Động (range of motion)

Techwear thường không theo các quy ước, mẫu rập chuẩn trong sản xuất may mặc số lượng lớn. Các sản phẩm luôn được thiết kế theo hướng tối ưu hoá biên độ chuyển động của cơ thể thông qua các khớp nối ống, gia cố vải ở các vị trí trọng yếu, các mẫu rập được lên theo giải phẫu học cơ thể…. Người mặc có thể di chuyển tự do thoải mái, không bị cảm giác vải hay đường rập trì lên cơ thể, không phải lo vải bị tưa hay bị căng rách.

Quần-Áo nói cho cùng mục đích chính vẫn là để bảo vệ cơ thể của bạn khỏi các tác nhân bên ngoài, không phải để hạn chế hoạt động của bạn.

 

Errolson Hughs không ngần ngại biểu diễn những chiêu thức võ thuật để đề cao độ bền và biên độ cử động rộng rãi thoải mái ở các sản phẩm của Acronym.

 

TIỆN LỢI (convenient) nhưng THỰC TIỄN (practical)

Techwear được sinh ra cho “commuter,” những con người thành thị năng động. Nhịp sống hiện đại ngày nay khiến chúng ta luôn phải đem theo bên mình hàng tá thứ lỉnh kỉnh, nào điện thoại, bóp, máy tính bảng, sạc dự phòng, và nhiều món đồ cá nhân khác.

 
hình ảnh minh hoạ - Concrete Jungle: 20 Urban EDC Essentials (click vào hình để xem bài viết)

hình ảnh minh hoạ - Concrete Jungle: 20 Urban EDC Essentials (click vào hình để xem bài viết)

 

Do đó các sản phẩm Techwear luôn đưa ra các giải pháp tinh tế không chỉ cho vấn đề mang vác mà còn cả việc sắp xếp không gian cho những món đồ mang theo sao cho thuận lợi nhất và thoải mái nhất cho người mặc. Các giải pháp đó thường được phát triển từ ý tưởng của những người tiền nhiệm như sự sắp xếp tổ hợp túi có logic trong workwear, những chiếc túi hộp rộng rãi thoải mái của outdoor, thậm chí cả những chiếc pouch module có thể tháo rời trong tactical wear.

Với các giải pháp mang vác sáng tạo và nguyên vật liệu bảo vệ tiên tiến, đồng nghĩa với việc người mặc có thể đem nhiều hơn và lo lắng ít hơn. (mặc dù sự thật từ trải nghiệm cá nhân là không ít lần mình phải chật vật tìm ví và chìa khoá trong hơn 18 ngăn túi lớn nhỏ trên người, chưa tính túi đeo…)

Yếu tố tiện lợi của Techwear không chỉ dừng ở những chiếc túi mà còn thể hiện thông qua nhiều chi tiết phụ trợ khác giúp việc tương tác giữa người mặc với sản phẩm và người mặc với môi trường thành thị được trơn tru hơn. Một số chi tiết tiêu biểu như:

  • Dây đeo áo (jacket sling) để người mặc có thể tháo ra đeo áo lên vai mà không phải cắp bên tay khi vào trong phương tiện công cộng hay toà nhà có nhiệt độ cao hơn.

  • Nam châm ứng dụng vào may mặc, với các thiết kế như ForceLock của Acronym giúp người mặc có thể tạm treo tai nghe ở gần vị trí gần tai nhất để tiện việc sau khi giao tiếp với người khác thì có thể tiếp tục với playlist của mình mà không cần phải giải quyết mớ dây nhợ lòng thòng. Một số thiết kế sau này của Stone Island hay NikeLab ACG cũng được thiết kế để hỗ trợ tai nghe không dây.

 
 
  • Hệ thống zip đặc biệt như EscapeZip, OpenTop,… giúp việc cởi và mặc áo, quần thuận tiện hơn

 
 
 
 

Trên hết tất cả những chi tiết Tiện Lợi đó đều phải đi kèm yếu tố Thực Tiễn. Mỗi chi tiết xuất hiện trên sản phẩm đều có một công năng, mang một ý nghĩa nhất định dù ít hay nhiều. Các nhà thiết kế khi bắt tay vào làm một sản phẩm Techwear sẽ không bỏ một cái zip lên quần để “nhìn cho cool.”

 
useless zip is useless

useless zip is useless

 

Yếu Tố Phụ - Thích Nghi (adaptability)

Yếu tố Thích Nghi cho phép người mặc tuỳ chỉnh outfit của mình phù hợp với môi trường xung quanh và phù hợp với nhu cầu sử dụng. Một số thiết kế tiêu biểu có thể kể đến như Acronym SET 1 (Xuân Hè 11) hoặc NikeLab ACG Women’s Deploy Jacket, quần thì có Acronym P30a-DSEnfin Levè Aldatze với ống tay áo hay ống quần tháo rời.

 
 

Hệ thống túi thay đổi được của Stone Island: Shadow Project 30308 Cargo PantsNikeLab ACG Deploy Cargo Pant cũng là 2 thiết kế đáng lưu ý khi nói về tính Thích Nghi

 
 

Tiến thêm một bước để đẩy mạnh yếu tố Thích Nghi, nhiều nhà thiết kế đã đưa hệ thống Molle từ backpack trong quân đội lên quần áo. Tiêu biểu có những chiếc jacket E-J4TS, J1TS-GT, quần P5TS-S, P10TS-DS của Acronym.

 
 

FORM:///////////////////////////////

Nhờ các yếu tố trên mà ta phân biệt được các sản phẩm Techwear (và phù hợp với Techwear) với các sản phẩm quần-áo khác. Vậy, về mặc thẩm mỹ, mặc thế nào là “Techwear?”

Nói về mặc thẩm mỹ, Techwear phát triển tới thời điểm như ngày nay và được người tiêu dùng chú ý nhiều hơn, nhưng vì mỗi người có mỗi cách nhìn cái đẹp khác nhau, điều đó làm nảy sinh các bất đồng quan điểm và cũng dẫn đến nhiều tranh luận trong bản thân cộng đồng. Do đó, với kiến thức thời trang cá nhân hạn hẹp, mình sẽ cố gắng trình bày rõ ràng nhất có thể dưới góc nhìn của mình. Có gì thiếu sót mong các bạn bỏ qua.

Để Techwear xuất hiện lên mainstream dày đặc như ngày nay phải kể đến sự đóng góp của năm thương hiệu Acronym, Arc'teryx: Veilance, Stone Island: Shadow Project, NikeLab ACG, và CP Company. Điều đáng nói là bốn trong số đó đều đến từ một nhà thiết kế – Errolson Hugh.

HAIR-rolson! Surpriseeeeeeeeee!

HAIR-rolson! Surpriseeeeeeeeee!

Xuất thân là một nhà thiết kế đồ trượt tuyết, niềm đam mê võ học, và quan trọng nhất là thấm nhuần tư tưởng “Form Follows Function” tối thượng của trường Bauhaus trong thiết kế công nghiệp, tất cả những sự ảnh hưởng đó cộng với thời gian lâu dài tiếp xúc, học hỏi, và hoàn thiện quá trình thiết kế và công nghệ sản xuất cũng như chất liệu tiên tiến nhất, Errolson Hugh đã đưa Acronym trở thành source code, thành DNA gốc của performance menswear (như ông trả lời phỏng vấn “Di Sản của Veilance” với Taka Kasuga).

Acronym Studio nếu để miêu tả một cách chính xác thì nó là nơi mà mỗi sản phẩm ra đời là kết quả của một cuộc thí nghiệm trên một sản phẩm tiền nhiệm để tối ưu hóa năng suất của sản phẩn tiền nhiệm đó. Acronym, mà cụ thể là Errolson Hugh đã setup cái gọi là “Thẩm Mỹ Techwear.”

 
Screen+Shot+2020-02-01+at+2.54.24+PM.jpg
 

Dưới góc nhìn của một người mua đồ bình thường bạn cũng có thể thấy rõ những “thí nghiệm” của Acronym giúp tối ưu hoá các thiết kế vay mượn từ khắp mọi nơi như quân đội (J56-GT, P34-S…),

giới công chức (GT-J11, P10-S…)

võ thuật (J72-DS, P25-DS…),

workwear (E-J4TS, P24A-S…).

Và bạn cũng tìm thấy hình ảnh của những “thí nghiệm” đó được lập lại ở Veilance qua những thiết kế gọn gàng chỉnh chu của giới công chức,

ở Stone Island: Shadow Project, với các thiết kế mang dáng dấp hầm hố của quân đội

hay sự năng động thoải mái của hiking được tái định nghĩa cho cuộc sống đô thị ở NikeLab ACG.

Nói tóm gọn lại là ở Techwear, luôn có một chút cho tất cả mọi người. Dù bạn muốn cool ngầu hầm hố hay muốn chỉnh chu tối giản. Tuy nhiên mình nghĩ điều quan trọng nhất khi đánh giá một outfit techwear vẫn là “Form Follows Function” thiết kế phải phục tùng công năng. Bộ đồ giúp được gì cho người mặc ở môi trường họ sinh hoạt, ở điều kiện thời tiết họ đối diện…

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới khía cạnh “Cyberpunk” trong thiết kế của Errolson Hugh. Như đã nói Acronym bắt đầu là 1 agency thiết kế đánh thuê cho các nhãn hàng lớn, việc cá nhân label Acronym bắt đầu len lỏi vào tủ đồ của những consumer chính đầu tiên phải nói đến chiến thuật marketing du kích trên các forum thời trang và du lịch (tiêu biểu là forum SuperFuture). Với chất lượng tuyệt đỉnh, sẽ không có gì lạ khi các sản phẩm của Acronym được truyền tai nhau trên forum.

Sau đó phải kể đến việc mở bán exclusive qua Subnet riêng mà bạn chỉ có thể đăng nhập và mua khi có thư mời.

 
 

Cuối cùng là sự dàn dựng và hình ảnh graphic trong các video lookbook của Acronym luôn đi rất gần với các motif graphic trong những tác phẩm cyberpunk nổi tiếng như Akira, Blade Runner, Ghost in the Shell….

 
 

Chưa kể về sau này, có khá nhiều thiết kế của Acronym đã được đưa lên những tựa game và phim có bối cảnh cyberpunk (Ghost in the Shell 2017, Deus Ex, Death Stranding). Vô hình dung Acronym được xếp vào “Cyberpunk.” Cá nhân mình thấy nếu nói chính xác thì không có sức ảnh hưởng của Cyberpunk lên thiết kế của Acronym nhưng mà do các yếu tố như adaptability, concealed, lowkey, modularity, material… mà làm cho thiết kế của Acronym phù hợp với bối cảnh Cyberpunk. Bản thân Errolson cũng ít khi đồng ý với việc này nhưng đó là một câu chuyện khác mà khuôn khổ bài viết mình sẽ không đề cập tới.

Tiếp theo nên nói đến là màu sắc, bạn thường thấy Techwear thường đi kèm với một bảng màu khá tối, cụ thể là đen và xanh olive, tuy nhiên không phải cứ đen là Techwear. (Để mình nhắc mấy bạn nhớ là sản phẩm của Acronym (có thể được coi là) mở bán lần đầu tiên cho mass consumer, ngoài subnet của Acronym, là màu trắng).

 
Screen Shot 2020-02-01 at 3.40.04 PM.png
 

Lý do được Errolson trả lời trong phỏng vấn với Jeff Staple (episode 23, series podcast “Business of Hype”) là vì trong thời buổi đầu khi Acronym chưa sở hữu dây chuyền sản xuất riêng, để bắt đầu sản xuất với chất liệu nào đó, họ phải đạt được số lượng sản xuất tối thiểu, đen với xanh lính luôn là màu có yêu cầu tối thiểu thấp nhất vì nhu cầu cao. Đồng thời 2 màu này số liệu kinh tế đã chứng minh là dễ bán ra, mà người mua cũng dễ phối. Về sau khi danh tiếng bắt đầu đi lên, sở hữu xưởng sản xuất riêng, và các nhãn hàng vải vóc đã quen với chất lượng sản xuất của Acronym, họ được ưu đãi bỏ qua khâu order tối thiểu, nhưng lúc này bảng màu tối đã trở thành signature của Acronym, của “thẩm mỹ Techwear”. 

Một cái note về thẩm mỹ Techwear nho nhỏ mình muốn nói tới, có thể là mở rộng ra thêm định nghĩa về thẫm mỹ của Techwear. Mặc dù Acronym đã setup cái “thẩm mỹ Techwear” nhưng sẽ rất sai khi nói Techwear là Acronym. Cái gì thì cũng có sự phát triển. Ở tầm mức giá mà Tim Cook cũng phải nể phục thì Acronym sau khi khai phá ra mảng thời trang này thì để lại một mảnh đất màu mỡ cho nhiều brand nhỏ lẻ khác ra đời, có brand đẩy mạnh vải vóc technical và cách thiết kế sản phẩm, có nơi chỉ lo vẻ ngoài của sản phẩm mà bỏ qua thẩm mỹ. Cuối cùng nó dẫn đến tình trạng cà khịa “đây là Tech?”/“Tech chứ gì,” với mình thì mình thấy đa số những buổi tranh cãi cả 2 phía đều thiếu sót. 
Đầu tiên mình xin loại ra các sản phẩm chỉ lo vẻ ngoài của sản phẩm mà bỏ qua thẩm mỹ. Nó chắc chắn không phải là techwear, như mình đã giải thích, một khi nó ngoài đẹp ra thì không có công năng gì thì nó ko phải tech (ví dụ như các brand Holy Grail, Ghost Techwear, MXDVS...).

Còn lại các thương hiệu khác, từ gia đình Acronym và con cái, Outlier, CP Company, White Mountaineering, 0608, Uniqlo, Lululemon... cụm từ chính xác nhất mà mình nghĩ nên sử dụng để gọi chung là “Urban Techwear.” Lý do sử dụng cụm từ này, ta lại quay về bối cảnh sử dụng của Techwear, dù cho các sản phẩm của những nhãn hàng đó có nguồn gốc bắt đầu từ những thí nghiệm trong may mặc và vải vóc hay từ các sản phẩm outdoor, thì cuối cùng nó vẫn phải là thiết kế cho cuộc sống bối cảnh sinh hoạt đô thị (Tin mình đi, khi bạn ở độ cao trên 2500m của đỉnh Alta, Utah giữa mùa đông tuyết rơi, thì ko có cái set nào của Acronym giúp bạn sống sót được đâu, trên đó vẫn là lãnh địa của The North Face). 

Bối cảnh sinh hoạt đô thị sẽ giúp bạn đánh giá chính xác hơn khi nói về “thẩm mỹ Techwear”. Do đó dù cho Acronym có là cái nôi của “thẫm mỹ Techwear” ngày nay, song song đó vẫn có những brand khác đi sâu hơn về kỹ thuật và công nghệ sản xuất mà không chịu ảnh hưởng từ thẩm mỹ đó (Outlier, Lululemon, Uniqlo...) hay đi theo một hướng thẫm mỹ khác (Riot Division, IISE, Cloudburst…) Những brand đó vẫn là “urban techwear” khi họ thiết kế hướng tới cuộc sống đô thị, sử dụng các kỹ thuật thiết kế tiên tiến, và vải vóc có hiệu suất cao. Do đó không phải bạn lôi cái áo gió TNF, Columbia, Nike ACG… màu đen từ 1-2 chục năm trước rồi nói bạn mặc Techwear được. Mục đích và bối cảnh thiết kế hướng đến khác với mục đích và bối cảnh thiết kế của các sản phẩm Techwear đương thời.

END://////////////////////////////////

Vậy bạn nên mặc thế nào để mọi người biết bạn mặc Techwear mà không phải cosplay quân nhân hay ninja? Câu trả lời là “No. You can’t”. Ngay cả khi bạn mặc những món đồ hype nhất như bộ “đồng phục” Acronym J1A-GT, P30A-DS với Nike X Acronym Vapormax, 90% là mọi người không biết bạn đang chuẩn bị đi meetup cosplay ở đâu.

 
Nguyên team đi vào hếttttttt

Nguyên team đi vào hếttttttt

 

“Techwear is how it work, not how it look”

——

(Techwear nằm ở chổ nó hoạt động như thế nào không phải nó trông như thế nào)

Đối với mình Techwear vốn không phải để flex, để show off. Điều tuyệt vời nhất khi đến với Techwear đối với mình, một thằng designer, là mình hiểu cơ thể mình nhiều hơn (thông qua tương tác với sản phẩm và thông qua sản phẩm tương tác với môi trường sống) đồng thời rèn luyện được thói quen chú ý đến tiểu tiết cũng như lý do đằng sau nó. Mình có một trải nghiệm cá nhân sau bốn năm theo duổi phong cách này. Mình bị thương, nhưng nhờ sự thoải mái trong thiết kế mà mình quên luôn chỗ chấn thương. Khi vận động các đường may, mảng vải, hay điểm ráp nối không trì vào cơ thể, vào vùng bị thương. Có một câu Errolson từng nói về sản phẩm của Acronym Studio trong buổi phỏng vấn ra mắt 4 sản phẩm trong collection “Lightest/Fastest/Deffest/Baddest" mà mình rất thích. 

 
 
 
 

Tất cả những món đồ [trong 4 sets] này đều kể một câu chuyện – về công nghệ, về công năng, về tiểu tiết của nó – và bản thân ông cũng kể một câu chuyện thông qua những món ông đang mặc. Vậy cốt truyện là gì?


“Cốt truyện dựa trên quyết định của bạn. Bản thân bạn phải quyết định cốt truyện của mình sẽ diễn ra như thế nào? Bạn sẽ làm gì? Tại sao? Bạn sẽ đi đến những đâu? Bạn sẽ gặp những ai?... Chúng tôi không biết, nhưng Acronym studio muốn giúp bạn. Và đó là lý do vì sao bạn thấy chúng tôi xây dựng mọi thứ theo cách chúng tôi muốn. Vì sao chúng tôi tìm kiếm những nguyên liệu tốt nhất. Vì sao chúng tôi công tác với những ông trùm công nghệ như WLGore. Vì sao chúng tôi bỏ thời gian ra để làm ra những món đồ hoàn hảo về thẩm mỹ và công năng. [Những món đồ mà có thể được sử dụng một cách] ngăn nắp, trật tự mà lại dể dàng. Kỹ thuật. Phong cách. Chúng tôi muốn [giúp] bạn đánh thức [khả năng] của bạn để bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn. Dù cho nó có điên rồ tới đâu, chúng tôi vẫn muốn thử làm điều đó. Ở Acronym, chúng tôi không bao giờ đánh giá thấp khả năng của người mặc [các sản phẩm của chúng tôi].

 

Đây với mình là điều giúp tách biệt Techwear ra khỏi thời trang thông thường. Techwear giúp bạn kết nối và thấu hiểu cơ thể, qua đó đánh thức khả năng tiềm ẩn bên trong của bạn để bạn có thể làm bất cứ thứ gì bạn muốn và tự tin tuyệt đối là bạn ngầu như trái bầu khi làm việc đó. Đến với Techwear, bạn không thể hời hợt như chơi giày “oh đôi này ông ABCD đang mang/promote/thiết kế, mua.” Bạn phải hiểu món đồ, hiểu công nghệ đằng sau nó cũng như hiểu cơ thể và cuộc sống của bạn. 

PS:///////////////////////////////

Bài viết đến đây tuy dài nhưng cũng chỉ có thể trình bày được môt phần bề mặt của Techwear. Với kiến thức có hạn mình sẽ nhường phần thảo luận sâu hơn về công nghệ trong Techwear cho những bạn có kiến thức hơn.

Follow page Facebook của Crystalize -> www.facebook.com/Crystallize.tech/ để đón chờ các bài viết chi tiết hơn.

NEXT POST:///////////////////////////////