Intro to Acronym - Part 2

Banner.jpg

Xin chào! 

Cám ơn bạn đã quay lại với phần thứ hai của chuỗi bài về thương hiệu Acronym. Hai bài tiếp theo mình sẽ giải thích cho các bạn về ký tự viết tắt trong tên của các thiết kế, các chất liệu vải Acronym đã sử dụng qua, các công năng đặc trưng và một số cụm từ thường được nhắc đến. Mục đích có chuỗi bài viết này vì trong quá trình viết review sản phẩm Acronym, mình cảm thấy cần có một hệ thống lưu trữ cá nhân cho những điều này từ đó mình sẽ dể dàng giải thích công năng riêng của từng thiết kế, yếu tố của từng chất liệu, etc. Để mình có thể rút gọn bài review về một độ dài hợp lý, cũng như có thể điều hướng các bạn đến một cái danh sách cụ thể để tham khảo thêm khi cần.

Ở phần này mình sẽ nói về các sản phẩm quần áo và chất liệu thường được sử dụng

 
naming_format-01.png
 

Tên một sản phầm quần áo (hiện tại) thường xuất hiện dưới format XYZ-O.

(Hình như trước Thu Đông 2012 (?) thì có cấu trúc ngược lại O-XYZ. Mình không rõ vì sao có sự thay đổi này).


x.png
 

[ X ] - Loại sản phẩm (quần, áo, nón, khăn..)


y.png
 

[ Y ] - Số thứ tự ra đời của thiết kế. Ví dụ bạn nhìn vào cái tên J2, số 2 cho bạn biết đây là mẫu thiết kế áo khoác thứ 2 được cho ra đời của Acronym, tương tự P24 là mẫu thiết kế quần thứ 24, hay H5 là mẫu thiết kế nón thứ 5


z.png
 

[ Z ] - Yếu tố đặc trưng (khác biệt so với bản thường -không có ký tự Z) Đa số ký tự là phỏng đoán của cộng đồng và suy nghĩ của mình, chưa được xác nhận trực tiếp từ Errolson và team. Bên dưới là một số ký tự mình thường thấy.

(A) và (B) Advanced và Base - Thường ám chỉ phiên bản nhiều công năng hơn phiên bản thường. Bản B mức độ cải tiếng/nâng cấp ở giữa bản A và bản thường. (Lưu ý là các ký tự này không mang ý nghĩa thông báo thứ tự ra đời của phiên bản khác nhau của một thiết kế, như J1A ra đời trước J1B hay J1B ra đời trước J1A).

Nhân tiện nói về nâng cấp, trong cùng một phiên bản, cùng một chất liệu, cũng có sự thay đổi/nâng cấp qua từng giai đoạn. J1A-GT là ví dụ điển hình

(H) Heavyweight/Heat Retention - Phiên bản được gia cố để thích hợp với Thu Đông (khác với phiên bản Xuân Hè (vd: P25H-DS cho FW17 và P25-DS cho SS18. Cả 2 đều là Dryskin của Schoeller nhưng bản H dày hơn, khả năng giữ nhiệt cao hơn). Tuy nhiên không phải bất cứ phiên bản nào dùng DS vài dày cũng có H. Qua hình ảnh minh hoạ để hai phiên bản cạnh nhau bên dưới bạn cũng có thể thấy được độ rũ của bản P25 khá là khác so với P25H mặc dù cùng là Schoeller Dryskin

(L) Long - Phiên bản được thiết kế có chiều dài dài hơn các bản khác cùng tên (J1L-GT). Tuy nhiên cũng có thể L là Light/Lite (nhẹ) do sự xuất hiện của hai bản J44L-GT và J44-GT. Cả hai đều dùng GoreTex nhưng J44L dùng GoreTex paclite, phiên bản mỏng, nhẹ hơn để sử dụng trong Xuân Hè. Và vì sao là L-GT thay vì GTPL thì …

(R) Reversed Seam/Revised - Một số nguồn giải thích R nghĩa là Revised (sửa lại) tuy nhiên mình không chắc nó khác như thế nào so với (A) hay (B). Một số nguồn khác thì cho là dùng loại zip Raccagni thay thế zip YKK làm zip chính (J47R-GT). Cùng phiên bản R của J47, chúng ta lại thấy áo có thiết kế ngược với đường may ra ngoài (reversed seam), cá nhân mình thấy reversed seam có vẻ hợp lý hơn để giải thích cho chữ (R). Vì ở phần miêu tả sản phẩm của J47R-GT cũng có nhấn mạnh đến mục đích của thiết kế reverse seam là để tăng tuổi thọ và độ bền cho sản phẩm.

(TS) TecSys - Hệ thống webbing được dệt từ sợi polyester và nylon, dựa trên thiết kế của hệ thống PALS của đồ Tactical. Trước tiên mình nghĩ nên nói một xíu xiu về PALS & MOLLE, mình để ý thấy nhiểu bạn hay nhầm lẫn (cả mình cũng rứa). PALS (Pouch Attachment Ladder System) là hệ thống webbing có từng mắt rời để gắn phụ kiện. MOLLE (Modular Lightweight Load-carrying Equipment) là những phụ kiện túi tương thích với PALS

 
PALS and MOLLE
 

Hệ thống PALS phổ biến trong đồ Tactical là một sợi webbing được may vào vải theo từng mắt cách nhau khoản gần 4cm (1.5 in). Có loại là một mảng vải được cắt laser để tạo mắt gắn đồ. Sản phẩm TecSys có 2 phần, phần mắt và phần đế. Phần webbing mắt gắn MOLLE được dệt liền vào với phần webbing đế, nhờ đó có độ bền và độ nhẹ hơn hẵn các loại PALS phổ biến bên Tactical.

 
 

Khi bạn treo MOLLE vào, áp lực sẽ trì lên hai đường chỉ may ở hai bên, do đó nếu phần vải base không đủ dày và chắc thì sẽ rất dễ rách. Với TecSys, do kết cấu dệt phần mắt liền với phần đế nên áp lực đươc phân tán đều lên phần webbing đế. Nhờ đó chúng ta có một hệ thống PALS nhẹ, bền, và linh hoạt. Có thể được áp lên nhiều loại chất liệu hơn.

 
 

(U) Uninsulated - Không có lớp lót giữ nhiệt. Thu Đông 2016 Acronym cho ra mắt J46-WS có lớp Climashield giữ nhiệt bên dưới bề mặt Gore Windbreaker. Xuân Hè 2017, Acronym tái bản J46 vẫn chất liệu vải WS nhưng là J46U-WS nhưng vắng mất lớp giữ nhiệt. Phần miêu tả sản phẩm của J46-ws cũng nhấn mạnh điều này nên mình phỏng đoán là vậy. 


o.png
 

[ O ] - Loại vải sử dụng (một số chất liệu mình chưa trải nghiệm qua hoặc cảm thấy chưa tìm hiểu đủ kỹ mình sẽ không liệt ra hoặc không đi quá sâu vào chi tiết).

 

MỘT SỐ THƯƠNG HIỆU CHẤT LIỆU ĐƯỢC YÊU THÍCH CỦA ACRONYM

 

Đầu tiên phải nói đến sự cộng tác lâu năm giữa Acronym và đại gia đình Gore. GoreTex là thương hiệu vải với slogan “Cam kết giữ cho bạn khô ráo” (Guarantee to keep you dry). Sau bao nhiêu năm giữ vừng lời hứa GoreTex đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghiệp trang thiết bị giải trí thể thao dã ngoại ngoài trời. Các sản phẩm thường được Acronym sử dụng bao gồm:


(GT) GoreTex Pro - Chống nước, chống gió. Kết cấu vải 3 lớp được ép dính với nhau. Lớp vải bề mặt bền chắc, giảm sự bào mòn do ma sát - lớp membrane GoreTex cho phép cơ thể thoát hơi nhanh nhưng cũng đủ dày đặc để không cho gió và nước tiến vào bên trong - lớp vải lót microgrid backer làm giảm ma sát với bề mặt bên trong giúp người mặt cử động thoải mái, không có cảm giát vải bết vào người. Chất liệu vải ngoài trời tốt nhất thế giới theo tất cả các cuộc khảo sát. (Tuy nhiên, FutureLight của TNF đang lăm le soán ngôi vị này)

 
Từ trên xuống: Vải bề mặt nylon, membrane ePTFE, lớp microgrid lót

Từ trên xuống: Vải bề mặt nylon, membrane ePTFE, lớp microgrid lót

 

(GTV) GoreTex Variant - Kháng nước, chống gió. Kết cấu vải 2.5 lớp. Từ ngoài vào trong, về mặt thẩm mỹ thì GTV tương tự như GT. Vẫn lớp vải bề mặt nylon bền chắc ép dính với lớp membrane GoreTex. Tuy nhiên bên trong cùng, lớp “0.5” lại được in hoặc phun xịt lên một lớp bảo vệ để trông như là 1 lớp thứ 3 (nhưng không hẳn là một lớp hoàn chỉnh). “Lớp thứ 3” này cũng hoạt động như lớp vải backer microgrid của GT và đồng thời cũng nhẹ hơn so với GT. Tuy nhiên nếu so về độ bền và độ thoát hơi thì không bằng GT (3L) hay WS/GTPL (2L) (Lý do có 2.5 là tại giá thành nó rẻ hơn thôi, nên gặp thì cứ né, J1A cũng né :”3 Né như con cáo né chùm nho xanh vậy 😭)

 
cảnh mặt trong của GTV với “lớp thứ 3”

cảnh mặt trong của GTV với “lớp thứ 3”

 


(GTPL) GoreTex Paclite - Kháng nước, chống gió. Kết cấu vải 2 lớp. Vẫn là lớp membrane GoreTex được ép dính trực tiếp vào lớp vải nylon bền chắc bên ngoài. Tuy nhiên, lớp membrane của Paclite đươc phủ một lớp bảo vệ từ chất liệu oleophobic (chất kị dầu) và carbon giúp chống bám bẩn và chống lớp dầu trong da tiếp xúc là làm hư hại membrane. Cấu trúc 2 lớp này cho phép sản phẩm có khôi lượng khá nhẹ và dễ gấp gọn lại. Tuy nhiên mình không thích Paclite lắm vì bề mặt vải của Paclite có cảm giác khá là…nhựa, và rẻ tiền, giống như bạn cầm vào một cái áo mưa trung quốc vậy. Nếu là 2 lớp, mình thích Gore Windstopper hơn, mình sẽ nói nhiều về Gore Windstopper sau.

 
Từ trên xuống: Vải bề mặt nylon, membrane ePTFE, lớp phủ bảo vệ

Từ trên xuống: Vải bề mặt nylon, membrane ePTFE, lớp phủ bảo vệ

 

(FO) Film-Out (PB) Putzbrunn - Kháng nước, kháng gió. FO và PB là sản phẩm có kết cấu 2 lớp trong nhánh sản phẩm Infinium của GoreTex. Mình từng nghĩ Film-Out hai là Infinium khi lần đầu thấy dòng sản phẩm FO và PB. Nhưng Infinium là một nhánh sản phẩm riêng biệt của Gore Tex tập trung vào sự mềm mại, êm ái của chất liệu và sự thoải mái cho người mặc khi vận động và tất nhiên là luôn luôn có sự hậu thuẫn với công năng kháng nước và kháng gió của Gore Tex membrane. FO thường đi kèm với lớp vải fleece hoặc lớp cách nhiệt bên trong. PB cũng là một loại sản phẩm Film-out nhưng có tích hợp công nghệ ShakeDry. PB khi ra đời là một sản phẩm thử nghiệm có sự hợp tác giữa Acronym và nhà máy Gore ở Putzbrunn ở Đức. Công nghệ ShakeDry là một công nghệ làm khô nhanh vải, cho phép người mặc chỉ cần giũ mạnh là gần như sản phẩm sẽ khô ráo. PB được cho là có độ dày dày hơn FO và cảm giác bề mặt gần như da.

Chất liệu Film-Out bỏ qua lớp bề mặt và đưa lớp membrane GoreTex ra ngoài, nhờ đó như đã nói ta có một lớp bề mặt mềm mịn nhẹ và không tạo ra tiếng ồn khi bề mặt vải bị cọ sát với nhau như GT và GTV. Điều mình thích nhất ở FO và FB là theo thời gian, vải sẽ “bạc màu,” có những vùng bóng bóng mờ mờ khác nhau. Như vải jeans bạc màu theo thời gian và theo người mặc. Nó sẽ thành một cái gì đó đặc trưng, mang tính cá nhân của người dùng nó. 

 
Kết cấu chất liệu Film Out với lớp membrane GoreTex ở ngoài.

Kết cấu chất liệu Film Out với lớp membrane GoreTex ở ngoài.

 

(WS) Gore Windstopper - Kháng nước, chống gió. Kết cấu vải 2 lớp. Lớp vải ngoài cùng đặc biệt nhẹ mỏng hơn so với lớp vài ngoài của các dòng GT. Cấu trúc vải bề mặt có những ô vuông li ti tựa như ripstop nylon. Lớp membrane bên trong cùng cũng mỏng hơn rất nhiều so với lớp membrane của GT. Cả hai khi ép dính với nhau đem đến một sản phẩm vải chống gió hoàn toàn. Cấu trúc vi sốp linh hoạt của lớp membrane cho phép sự thoát hơi diễn ra nhanh hơn và tốt hơn GT. Tuy nhiên đổi lại khả năng chống nước của WS không bằng GT. BMI (Body Mass Index) của mình cho thấy cơ thể có tỷ lệ mỡ nhiều hơn người bình thường nhưng mình vẫn cảm thấy thoải mái khi chạy xe dưới cái nắng 35-36 độ Sài Gòn. Do đó với độ mỏng, nhẹ, khả năng thoát hơi tốt, ý kiến riêng của mình thì WS là chất liệu áo khoác tốt nhất cho môi trường nóng ẩm Việt Nam. WS từng là một nhánh sản phẩm riêng cho đến khi GoreTex cải tổ và đem WS về dưới nhánh sản phẩm Infinium

 
Từ trên xuống: Vải bề mặt nylon, membrane ePTFE, lớp lining (WS của Acronym dùng cho ACG và một số thiết kế của Acronym như J73 hay J81 không có lớp lining)

Từ trên xuống: Vải bề mặt nylon, membrane ePTFE, lớp lining (WS của Acronym dùng cho ACG và một số thiết kế của Acronym như J73 hay J81 không có lớp lining)

 
 
 

(CH) Confoederatio Helvetica (tên latin của Cộng Hòa Liên Bang Thuỵ Sỹ) - Kháng nước, kháng gió. Vải micro twill (dệt cấu trúc chéo) Schoeller thường được dùng trong quần áo bảo hộ công nghiệp nặng. Dệt từ cotton, elastane (thun) và modacrylic. Tính chất vải tuy nặng nề nhưng thoáng mát, bề mặt mịn, co giản 2 chiều. Đa số các phiên bản CH đểu được coat 1 lớp ColdBlack, công nghệ giúp giảm hấp thụ nhiệt cho vải tối màu. Một tính chất nổi bật của modacrylic là khó bắt lửa. ColdBlack cộng với modacrylic thành ra về cơ bản nó giúp bạn kháng lửa (mình không chắc, và mình cũng không đủ thận để mua thêm 1 sản phẩm làm từ CH nữa để về test…)

 
bề mặt cấu trúc dệt micro twill

bề mặt cấu trúc dệt micro twill

 

(DS) Dryskin - Một loại vải tổng hợp của Schoeller có cấu trúc 2 mặt khá thú vị. Bề mặt ngoài kháng nước, kháng gió, khi sờ hơi nhám, dưới một số góc nhìn nhất định, bề mặt còn trong như là có lấp lánh ánh kim tuyến nhẹ. Bề mặt trong mịn mượt và thấy rõ cấu trúc dệt của vải hơn mặt ngoài. Cấu trúc dệt của mặt trong giúp gia tăng khả năng thoát hơi từ mặt trong ra ngoài nhanh hơn các dòng vải khác giúp người mặc luôn khô thoáng. Thành phần cấu tạo có chứa đến gần 1 phần 10 là elastane giúp cho Dryskin có độ co giản 4 chiều. Cực kỳ thích hợp cho các hoạt động di chuyển cường độ cao. 

Thỉnh thoảng mình cũng thấy ký tự DS dược dùng cho các sản phẩm sử dụng vải dệt tổng hợp có tỷ lệ nylon cao. Nhìn theo hướng “mọt sách” thì thành phần Dryskin và High Density nylon jersey khá giống nhau chỉ khác ở chổ Dryskin có tỷ lệ elastane cao hơn High Density nylon jersey (10%>6%)

 
bề mặt ngoài của Dryskin

bề mặt ngoài của Dryskin

 

(SS) WB-400 Soft Shell - Chất liệu nhân tạo tổng hợp có kết cấu 2 lớp. Lớp ngoài co giản 4 chiều với khả năng kháng nước ép dính với lớp chất liệu cực kỳ thoáng và mềm. Ở giữa 2 lớp có phun phủ bề mặt một lớp polyurethane giúp tăng thêm khả năng kháng gió và kháng nuước.

 
schoeller-wb-400-softshell-illu.jpg
 
 
 

(K) Komatsu - Chống nước, chống gió, thoáng hơi. Chất liệu vải thử nghiệm của Nemen có kết cấu 3 lớp với lớp membrane Komatsu của Nhật. Sản phẩm làm ra sau đó được nhuộm riêng từng sản phẩm đưa đến độ khác biệt, không đồng nhất về màu sắc giữa các sản phẩm trong cùng 1 dòng khá thú vị. Tuy 3 lớp nhưng sản phẩm khá nhẹ, nếu so sánh với các chất liệu của GoreTex, thì độ nhẹ có thể so sánh với Gore Windbreaker. Một số điểm trừ của dòng vải này bao gồm dể bám dơ, khó vệ sinh, không thoáng bằng Windstopper (công bằng mà nói nó vẫn là 3 lớp).

(MP) Multiprene - Thành phần cấu tạo 2 lớp, lớp nylon bên ngoài với khả năng kháng nước và kháng gió được ép dính với lớp multiprene bên trong giúp giữ ấm cho người mặc.

 
cận bề mặt chất liệu Multiprene

cận bề mặt chất liệu Multiprene

 

(L) Leather - Da. Và như mình nói thường thì ký tự [ O ] chỉ dùng để chỉ chất liệu bề mặt. Theo mình biết thì không có nhiều thiết kế từ da. Có 2 sản phẩm đáng chú ý là J40-L trong collab với Nemen và L-J2 (kết hợp với Gore Windstopper). Trong collab với Nemen, sản phẩm da có cấu trúc 3 lớp làm từ da bê ép dính vào lớp membrane Komatsu. Kháng nước, chống gió và thông thoáng hơn so với sản phẩm da thường.

 
 

(E) Epic của Nextec - Kháng nước, kháng gió. Epic là một công nghệ xử lý vải, trong đó có Amphibious cotton và Encapsulated nylon. Amphibious cotton hay Epic cotton là một dòng vải cực kỳ cực kỳ được Acronym ưa chuộng và sử dụng thường xuyên trong giai đoạn đầu. Hình như mãi đến Xuân Hè 2019 mới có sự xuất hiện của Encapsulated nylon, và các sản phẩm sự dụng vải (E) đều được giải thích là sử dụng Encapsulated nylon. Mình chưa từng trải nghiệm qua Amphibious cotton nên mình không rõ. Nhưng về cơ bản công nghệ Epic là một công nghệ khá đặc biệt. Nextec đi ngược lại với hướng xử lý thường thấy trong ngành công nghiệp vải. Thay vì ép nhiệt hay phủ bề mặt ngoài chất liệu vài để tăng khả năng kháng nước/kháng gió, Epic làm việc bên trong mặt vải. Công nghệ Epic “lấp đầy” khoảng trống giữa các thớ vải, “bao bọc” sợi vải với một lớp màn polymer siêu mỏng. Kết quả tạo ra là một lớp vải kháng nước, cản gió nhưng đủ để cơ thể thoát hơi giữ cho người mặt luôn thoải mái. Đối với Encapsulated nylon, nhờ cách xử lý vải này mà thành phẩm cuối cực kỳ nhẹ và dễ gói gọn. đồng thời cũng giữ được độ kháng nước dù sau rất nhiều lần giặt. Ý kiến cá nhân của mình Encapsulated nylon dễ qua mặt DS để thành loại vải quần tốt nhất trong các sản phẩm của Arcnm cho mùa Hè. Điểm trừ duy nhất với mình cho Encapsulated nylon là khi di chuyển, bề mặt vải tiếp xúc với nhau tạo ra âm thanh khá ồn và cảm giác hơi “rẻ tiền,” như bạn mặc những cái quần nylon thể dục 50-80k/cái bán ngoài mấy hàng đồ dụng cụ thể thao “chính hãng” vậy. Một số nguồn cũng xác nhận Encapsulated nylon không bền bằng Amphibious cotton.

 
Untitled-2.jpg
 
 

Side note: Vải E là lọai vải được phát triển bởi quân đội Mỹ, và Encapsulated nylon dòng vải ưa thích của Biệt Đội Đặc Nhiệm Mỹ, SOCOM. Điểm thú vị là với sự xuất hiện của Encapsulated nylon vào Xuân Hè 19, bảng màu của Acronym có một màu mới - Alpha Green. Màu này là màu đồng phục tác chiến của SOCOM. Mẫu thiết kế của đồng phục tác chiến SOCOM được Acronym mượn ý tưởng khá nhiều trong thời gian đầu.

SOCOM - PCU (Protective Combat Uniform)

SOCOM - PCU (Protective Combat Uniform)

 
 
 

(S) Stotz Etaproof - vải cotton 100%. Được dệt từ sợi cotton xơ dài với mật độ dệt dày đặc đem đến khả năng kháng nước và chống gió vĩnh viễn. Các sản phầm làm từ Etaproof có độ mịn, mềm tự nhiên của cotton khi tiếp xúc với da. Khối lượng và cảm giác tiếp xúc với da gần như cảm giác mặc jeans. Trong 3 loại vải thường xuyên được Acronym sử dụng cho quần thì Stotz có cảm giác thoải mái nhất. Xét về mặt bảo vệ người mặc khỏi thời tiết và về độ bên thì Stotz cũng vượt trội hơn hẳn so với CH và DS. Một chi tiết lưu ý là giữa các thiết kế của Acronym, mặc dù cùng sử dụng loại vải Stotz Etaproof nhưng độ dày và công năng của các loại vải cũng khác nhau giữa các thiết kế (như Dryskin thường và Dryskin Heavyweight). Điểm trừ của Stotz là không có độ co giản. Các thiết kế làm từ Stotz của Acronym thường có kích thước hơi khác (bé hoặc lớn hơn) với các phiên bản làm từ DS hay CH cùng size. Điểm trừ thứ 2 là cách “kháng nước” của Stotz. Khi nước tiếp xúc với bề mặt ngoài của Stotz, bề mặt ngoài của vải vẫn bị ướt nhưng thớ vải sẽ nở ra để ngăn không cho nước tiến sâu vào trong, qua đó giữ cho người mặt được khô ráo. Tuy nhiên, một cái quần ướt là một cái quần ướt, dù cho bạn không có cảm giác đang bị ướt nhưng cái quần nó vẫn đang ẩm. Điểm trừ cuối cùng là tốc độ bạc màu của Stotz diển ra cực kỳ nhanh, thường thì sau 3-4 lần giặt là sẽ xuất hiện vân vải bạc màu khi bạn ủi vải để kích hoạt lại khả năng kháng nước (mình thì không cho nó là điểm trừ, cũng như FO hay PB. Qua thời gian nó phát triển thành một cái gì đó đặc trưng, mang tính cá nhân của người dùng nó).

 

MỘT SỐ CHẤT LIỆU NHÂN TẠO KHÁC

(PL) PrimaLoft - Một chất liệu giữ nhiệt làm từ sợi nhân tạo. Được phát triển bởi quân đội Mỹ với mục đích đem lại hiệu quả giữ nhiệt như down feather, phần lông sát thân của ngỗng (hoặc vịt). Đến tận ngày nay down feather vẫn được tin tưởng cho khả năng giữ nhiệt của mình, Điểm yếu duy nhất là nó sẽ mất khả năng giữ nhiệt khi bị ướt (Vịt ngỗng thì có lớp lông vũ chống thấm ở ngoài khi bơi). Với PrimaLoft, khi tái tạo cấu trúc của down feather với chất liệu sợi nhân tạo, hiệu quả giữ nhiệt của sãn phẩm vẫn được duy trì ngay cả khi ướt. Thêm nữa là độ phồng của sợi nhân tạo thường ít hơn độ phồng của lông tự nhiên, giữ cho sản phẩm trông gọn gàng hơn.

 
down feather

down feather

 

(PS) PowerStretch của Polartec - Chất liệu chính bằng thun có độ co giản dai và mạnh tạo ra một sản phẩm vải có độ co giản 4 chiều. Cấu tạo 2 mặt thấm hút và đưa các phân tử nước ra bề mặt ngoài để bay hơi nhanh, giữ cho bề mặt da luôn được khô ráo. Bề mặt ngoài của PS có cấu trúc mượt mịn giúp giảm ma sát bề mặt. 

(PX) Alpha của Polatec - Alpha liên tục giải phóng nhiệt độ thừa của cơ thể trước khi nó tích tụ gây cho người mặc nóng nực và khó chịu. Đặc diểm thích ứng tuyệt vời này của Alpha được tạo ra từ những sợi bông Alpha đan dính vào lớp vải lưới. Chất liệu Alpha vốn dĩ kỵ nước nên nó còn kháng lại sự ẩm ướt và khô cực kỳ nhanh. 

 

MỘT SỐ CHẤT LIỆU TỰ NHIÊN KHÁC

(AK) Altifibers Knits(AM) Altifibers Mesh(?) - Chất liệu Cashllama. Cashlama được tạo ra từ lông Llama vùng núi Andes bằng công nghê làm mịn lông LlamaSoft của công ty Altifibers (Bolivia) để đạt được độ mịn được ví như lông cừu vùng Himalayan - Cashmere (Cashllama - “Cashmere” của Andes). Thớ lông xơ của Llama có độ mịn bề mặt tương tự như cashmere tuy nhiên độ rỗng bên trong thớ lông lại to hơn hẳn các loại lông khác. Do đó Cashllama có khả năng cách nhiệt vượt trội hơn hẳn các loại chất liệu lông khác. Điểm khác nhau giữa (AK) và (AM) theo mình biết là (AK)là vải tổng hợp với 30% lụa và 70% cashllama, trong khi (AM) thì được dệt hoàn toàn từ cashllama. 

(AJ) Baby Llama Air Jet Wool - Một loại chất liệu tổng hợp được dệt từ lông Llama non pha với sợi polyamid (một dạng sợi nylon) với tỷ lệ 80% lông Llama, 20% Polyamide. Sợi polyamide mặc dù cơ bản có độ thoát hơi kém, dể hư khi tiếp xúc với nhiệt độ cao nhưng khi pha với các loại sợi khác đặc biệt là cotton và len thì lại làm tăng độ đàn hồi và độ bền cho vải. Lông Llama non thì có độ mịn và độ ấm cao. Thành ra (AJ) có các đặc tính giữ ấm tốt, đàn hồi tốt, nhẹ, và bền. 

 
‘sup bro? want some cash (llama)?

‘sup bro? want some cash (llama)?

 

(BR) Brugnoli - Một loại sản phẩm cotton xơ dài đến từ nhà máy Brugnoli của Ý. Được biết đến với các tính chất như bền màu, mềm mịn, thoáng, và khó đổ lông

(KM) Altifibers Knits Merino - Sản phẩm dệt từ lông cừu merino với công nghệ xử lý của Altifibers. Bề mặt sản phẩm thường có độ xù lông tự nhiên. Lông cừu merino được ví như Swiss Army knife (có khả năng linh hoạt cao) trong các loại sợi tự nhiên. Nổi tiếng với khả năng giúp cơ thể điều hoà nhiệt độ, ấm khi trời lạnh và đủ thoáng mát khi trời nóng. Đặc biệt nhất là khả năng khử mùi hôi. Độ bền của merino cũng là một điểm đáng đề cập. Ở mức độ ma sát trong hoạt động bình thường hằng ngày không dẫn đến việc đổ lông thêm. 

(KR) Worsted Cashmere - Được dệt từ những thớ lông cashmere thẳng, dài tạo ra sản phẩm vải nhẹ và có bề mặt mịn mượt như lụa. Lông cashmere còn giúp giữ ấm cho người dùng. Nếu được bảo quản tốt, worsted cashmere sẽ luôn giữ được độ mịn trong khoản thời gian rất dài.

(LP) Storm System của Loro Piana. Storm System là một công nghệ xử lý vải. Kết cấu vải LP có 2 lớp, mặt bên ngoài được xử lý với công nghệ riêng của Loro Piana tạo ra một lớp màn bảo vệ bọc quanh từng thớ vải (theo mình tìm hiểu thì khá giống với Nextec). Bề mặt ngoài nhờ đó được tăng cường thêm khả năng chống nước và bảo vệ sự xâm nhập của bụi bậm. Mặt bên trong là lớp membrane kháng nước kháng gió đặc biệt được phát triển bởi Loro Piana. Lớp membrane này có khối lượng cực kỳ nhẹ nhưng khả năng giữ ấm và điều hoà nhiệt độ cơ thể cực tốt. Nhờ Storm System, các sản phẩm vải của Loro Piana cho ra đời luôn giữ được độ mềm, ấm và êm ái của thành phần vải tự nhiên nhưng đồng thời cũng giữ công năng chống nước kháng gió. 

(W) Wool - Chất liệu 2 mặt từ lông cừu và cotton làm tại Ý. Lớp lông bề mặt vừa giữ ấm vừa cung cấp một bề mặt có khả năng kháng nước nhẹ tự nhiên. Lớp cotton bên trong cho cảm giác thoải mái khi tiếp xúc với da.


(*) Mình sẽ tiếp tục cập nhật danh sách này.

(**) Mọi thứ được mình viết dưới góc nhìn và sự tìm hiểu của một thằng consumer/outsider không biết gì về ngành công nghiệp may mặc cũng như chất liệu. Nếu có gì sai sót mong các bạn góp ý cho mình qua instagram @drkvns

NEXT POST:///////////////////////////////

 

Cám ơn Hoàng Lâm, Lê Quốc Anh và Kent Nguyễn đã hỗ trợ thông tin.