Intro to Acronym - Part 1
Trong bài trước giới thiệu về Techwear mình đã có nói sơ về Acronym và tầm ảnh hưởng của Acronym Agency lên Techwear. Hôm nay mình nói chi tiết hơn về Acronym dưới góc nhìn của cá nhân mình. Qua đó mình cũng hi vọng sẽ giúp mọi người hiểu hơn về Acronym cũng như cái tinh tuý của Techwear (hàng chính hãng, không có hashtag phía trước).
Nhắc đến Acronym, mình nghĩ số đông cộng đồng Techwear Việt biết đến Acronym qua 2 nguồn “Hôm nay sao abc mặc gì” và mối quan hệ với Nike. Mình cũng không ngoại lệ. Là một sneakerhead và là fan cứng của gia đình AF1, mình biết đến Acronym thông qua collab Lunar Force 1 với Nike. Mình vẫn nhớ bình luận đầu tiên mình dành cho Acronym LF1 khi hình ảnh của Acronym LF1 được leak trên mạng là “Nói không phải khen chứ con này xấu *** ” Đối với mình thời điểm đó, Acronym LF1 là một sự xúc phạm đến silhouette của gia đình AF1.
Trớ trêu thay không biết vì điều gì lại kích thích mình mua đôi Acronym LF1 đó từ một reseller quen. Không phải giá under retail nhưng cũng gần như sát mức retail. Bạn reseller của mình cũng đồng quan điểm “Nói không phải khen chứ con này xấu *** ”. Mình nhớ như in cái ngày mình nhận được nó, cảm giác khi mang nó vào đã làm mình thay đổi hoàn toàn cách nhìn về những đôi giày AF1, thậm chí AM1 và AM90 mình đang có. Có thể mình so sánh quá lố nhưng với mình nó thực sự như bạn được tự do bước đi trên thảm cỏ tươi sau một thời gian dài đeo gông cùm ở chân vậy (rõ ràng là so sánh quá lố, chuyện hiển nhiên rồi, Lunarlon chớ phải Concealed Air bag mô). Nó mềm và êm những vị trí cần mềm và êm, cứng cáp ở những vị trí cần sự cứng cáp, thoải mái và dễ dàng sử dụng. Đó là tất cả những gì Acronym đặt DNA của mình vào - tiếp cận với sản phẩm/vật liệu/vấn đề qua con đường ứng dụng thực tiễn thay vì qua trực quan.
Nói sơ về lịch sử Acronym: Acronym thành lập vào năm 1994 tại Munich, Đức. Acronym thời buổi sơ khai hoạt đông như một agency tư vấn và thiết kế tự do cho thương hiệu thể thao ngoài trời Burton. Acronym nổi tiếng với thiết kế Analog MD Clone Jacket, Từng được tạp chí TIMES bình chọn là sản phẩm công nghệ của năm 2002.
Song song với việc làm “lính đánh thuê,” Acronym áp dụng kiến thức và quan hệ trong ngành may mặc của mình để cho ra đời những sản phẩm riêng mang thương hiệu Acronym. Với ý tưởng đem công nghệ của ngành thể thao ngoài trời vào các sản phẩm may mặc cho cuộc sống hằng ngày, Acronym cho ra đời KIT-1 vào năm 2002 và trở thành đầu tàu của dòng thời trang Performance Wear (hay Techwear).
Để hiểu Acronym, đầu tiên bạn cần nhìn thương hiệu Acronym dưới góc nhìn của một agency tư vấn và thiết kế hơn là một fashion house (đây cũng là cách mà Acronym nhìn chính mình). Acronym dù ra mắt sản phẩm đều đặn một năm 2 lần, Thu Đông - Xuân Hè như các fashion houses khác, nhưng những sản phẩm được ra mắt không gói vào một bộ sưu tập, một collection hoàn chỉnh, có câu chuyện, có chủ đề. Từng sản phẩm là một “bộ sưu tập” theo cách riêng của Acronym, “bộ sưu tập” công năng.
Lấy chiếc xe cơ bắp nổi tiếng cũa Mỹ, Ford Mustang, làm ví dụ. Dù trải qua bao đời, bao biến thể, có người thích bản 65 có người thích bản 08, có người thích bản 69 Boss 429, nhưng mỗi phiên bản khi sản xuất đều mang trong mình DNA của Mustang và luôn có cải tiến vượt trội hơn so với phiên bản tiền nhiệm. Acronym cũng vậy.
Thay vì mang trong mình một câu chuyện sâu xa về triết lý sống, về xã hội, về bla bla…. Thì mỗi một season của Acronym chỉ đơn giản là một sự tiến hoá, là một bức phá, là một vấn đề được giải quyết. Mỗi một sản phẩm là một bản nâng cấp của phiên bản cũ được phát hành trước đó.
Suốt khoảng thời gian từ lúc mình tìm hiểu về các sản phẩm của Acronym, đã không ít lần mình gặp các chỉ trích về việc “cạn ý tường”, “thiết kế lập lại”, “nhàm chán”…. nhưng quay ngược về DNA và cách làm việc của Acronym, việc họ không thể cho ra đời 10-20 sản phẩm trong một season là chuyện khá dể hiểu. Như mình nói, Acronym tiếp cận với sản phẩm/vật liệu/vấn đề qua con đường ứng dụng thực tiễn. Hiển nhiên bạn cần phải có thời gian để thu thập dữ liệu từ người dùng. Khi bạn đề ra mục tiêu làm một sản phẩm có thể thật sự tồn tại bền bỉ theo năm tháng, rõ ràng bạn không thể bán đi rồi đòi lại kết quả trong 1 năm được, đúng không? Coi nào, một cái áo, cái quần đâu phải một trang web hay một cái banner digital mà bạn thu được thông số tương tác hay hot points ngay, đúng không? Hơn cả việc thu thập dữ liệu từ người dùng tương tác với sản phẩm, Acronym còn thu thập dữ liệu từ cách mà những vật dụng và môi trường sinh hoạt của người dùng tương tác với sản phẩm của họ (vị trí nào vải nhanh mòn hơn, trường hợp nào vật hay rơi ra khỏi túi, lý do nào làm những vị trí này mau tưa…).
Hãy xem chiếc áo J1A. Từ khi ra mắt công chúng một cách (có thể nói là) đại trà với Kit-1, nó là sản phẩm được liên tục cải tiến và gần như luôn được mở bán hằng năm với nhiều biến thể khác nhau.
Mỗi một sản phẩm khi được tái bản lại đều được chỉnh ở đây sửa ở kia một chút. Nhiều thứ thậm chí còn không được đề cập đến trong phần giới thiệu sản phẩm. Bạn phải mặc, phải trải nghiệm, phải “tàn sát” nó thì mới thấy được sự tinh chỉnh của sản phẩm. Nếu bạn may mắn có được cả phiên bản cũ và mới bạn còn có thể thấy được những gia cố tăng cấp cho độ bền của sản phẩm đời sau.
Nói tới đây chúng ta có thể giải thích được vì đâu có sự ảnh hưởng mạnh từ những sản phẩm may mặc trong quân đội lên đại đa số sản phẩm của Acronym. Tất cả những sản phẩm may mặc quân đội được làm ra không phải vì vẻ hào nhoáng, không phải để gây ấn tượng với người đối diện (ra chiến trường rồi ngồi so real với rep 1:1 😀?😀?). Mọi thứ từ vải vóc cho đến thiết kế đều được phát triển với tiêu chí công năng đi đầu. Như kiểu “okay, chiến trường hoang mạc, bây giờ làm sao để cho những người lính không cảm thấy quá nóng nực”, “làm sao để những người lính có thể mang vác và sử dụng hoả lực của mình một cách thuận tiện nhất”... Những sản phẩm trong quân đội tất nhiên được tài trợ và nghiên cứu phát triển từ những tổ chức có tiềm lực kinh tế và nhân lực đủ mạnh để thúc đẩy nhanh quá trình “thu thập dữ liệu và phát triển sản phẩm” (R&D – research & develop).
Chúng được tạo ra với công năng là mục tiêu chính và những công năng đó phải hoạt động tốt nhất trong điều kiện bối cảnh chúng được thiết kế để sử dụng. Acronym thấy được tiềm lực từ đó, cộng với kinh nghiệm thiết kế đồ thể thao ngoài trời (không phải bất cứ môn thể thao ngoài trời nào mà là môn trượt tuyết, một môn thể thao đòi hỏi sự bảo vệ cao từ quần áo) đã cho ra đời các sản phẩm mang đậm dấu ấn quân đội như chiếc quần P1, chiếc J3, hay bộ holster 3A-SR1 ẩn trong áo J19...
Chính nhờ sự vay mượn ý tưởng và nguyên liệu từ thời kỳ đầu này đã làm tiền đề cho các thiết kế về sau. Dưới góc nhìn cá nhân của mình, Acronym vay mượn ý tưởng từ rất nhiều binh chủng, quốc gia, và rất nhiều thời kỳ. Một số ví dụ “đáng chú ý” khác ngoài chiếc quần P1 và áo khoác J3 liệt kê ở trên còn có:
(Công bằng mà nói, nếu bạn chịu khó nhìn xíu xiu thôi, bạn sẽ thấy đại đa số sản phẩm menswear đều được “sampled”, vay mượn ý tưởng từ các sản phẩm quân đội)
Ngoài nền tảng có được từ các nghiên cứu may mặc của quân đội và thể thao ngoài trời ở điều kiện khắc nghiệt, Acronym còn khéo léo vận dụng công thái học trong thiết kế công nghiệp (ergonormic) vào thiết kế thời trang. Công thái học là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường mà họ tương tác dưới 3 lĩnh vực: vật lý, nhận thức, và tổ chức từ đó tìm kiếm và loại trừ tất cả những yếu tố gây bất lợi cho người dùng, giúp sản phẩm đạt đến sự phù hợp tốt nhất cho người dùng, đặc biệt là khi họ sử dụng sản phẩm cùng công nghệ sản xuất mới. Các quyết định trong thiết kế của Acronym luôn giúp bạn tương tác với sản phẩm của họ mượt mà một cách hoàn hảo, ví dụ vị trí túi luôn giúp bạn dễ dàng lấy đồ ra nhất, độ nghiêng của túi làm vật đựng bên trong không trì xuống làm hư form dáng sản phẩm, hay như việc lợi dụng lực hút để đưa các vật nhỏ như khoá, tiền xu, dao bấm.... vào vị trí của DeepPockets. Với mình đây là điều giúp tách biệt Acronym ra khỏi nền thời trang hiện đại đã và đang bị tàn sát bởi fast fashion, bởi guồng quay chóng mặt của xu hướng thời trang....
Các sản phẩm của Acronym không giống như bất cứ một loại sản phẩm quần áo nào khác mà mình từng sở hữu. Vào những ngày đầu khi tất cả những gì mình có (gần nhất với Acronym) là chiếc áo NikeLab ACG Alpine FW16 và Cargo pants FW 17. Việc thay đổi qua lại giữa những món đồ đó với những chiếc quần áo khác trong tủ đồ của mình (tất nhiên là đen) những chiếc quần jeans Levi’s, Rock Republic, Laguna Beach Double Stitches...cái áo puffer vest Abercrombie, downfill The North Face.... chỉ riêng việc đó cũng đủ cho mình thấy rõ sự giới hạn và nặng nề của những món quần áo thông thường (chưa kể đến việc nó không được đẹp và ngầu, nhưng tất nhiên đẹp và ngầu là by-product, là hệ quả của cách tiếp cận sản phẩm may mặc thông qua công năng của Acronym). Sự tò mò thôi thúc mình tìm hiểu về sự khác biệt về lý do vì sao chiếc túi này được đặt ở đây, vì sao miệng zip nằm bên này thay vì bên kia miệng túi,... tất cả là một cái vòng xoáy vào óc (và vào thận 🥺). Rất tiếc khi nói bạn phải sở hửu sản phẩm của Acronym, bạn phải đụng vào nó, phải dùng nó, lạm dụng nó để hiểu được sự thú vị của nó. Nó thú vị theo kiểu, một ngày đẹp trời tuyết rơi ầm ầm vào đầu và bạn phát hiện ra “oh giờ mình hiểu tại sao cái nón này được gọi là funnel hood” hay một hôm nắng gắt thật gắt và bạn thấy được sự khác biệt giữa DS của Acronym và DS của Enfin Levé.... Cái giây phút “ah bây giờ thì em đã hiểu” là lý do thứ 2 mà mình thích các sản phẩm của Acronym và các brand có sự nhúng tay của Acronym (lý do thứ nhất là tại màu chủ đạo của nó là màu đen :v ). Mãi đến tận bây giờ, gần 5 năm sở hữu chiếc áo J56 mà nó thỉnh thoảng vẫn còn đem lại cho mình giây phút “ah bây giờ thì em đã hiểu.”
Là một graphic designer, mình dám tuyên bố các sản phẩm của Acronym là đỉnh cao của Trải Nghiệm Sản Phẩm và Giao Diện Tương Tác Với Người Dùng (UI/UX). Ngoài tương tác mượt mà giữa bạn và sản phẩm và bạn với môi trường xung quanh thông qua sản phẩm, những chi tiết ví dụ bên dưới đây đối với mình, một thằng consumer bình thường, thì nó là đỉnh cao của thiết kế trong may mặc.
Đây chỉ là một số ví dụ mình lấy nhanh trên mạng. Như mình đã nói còn nhiều điều thú vị hơn nữa mà bạn phải dùng sản phẩm của Acronym một thời gian bạn mới có được giây phút “ah bây giờ thì em đã hiểu”. Nó tinh tế, nó hoàn hảo, và nó làm một đứa design-nerd như mình thấy “rạo rực" như xem phim 18+, okay? Nếu đem ví nền thời trang thế giới với các nền công nghiệp khác thì Acronym là Apple của thiết bị viễn thông thông minh, là Helvetica của Thiết Kế Đồ Hoạ, là Rolex Submariner 1954 của đồng hồ đeo tay.
Khi bạn nói “oh cái này bạn mặc đẹp” hay “trong bạn thật ngầu”, okay, tốt thôi, cám ơn. Nhưng cái động lực đằng sau Acronym, lèo lái định hướng cho các sản phẩm của Acronym và sản phẩm có sự nhúng tay của Acronym là ý tưởng tiếp sức, chuyển giao quyền lực cho người mặc. Các sản phẩm luôn được tối ưu hoá, xoá mờ các giới hạn mà những sản phẩm may mặc thông thường gây ra, để bạn luôn luôn có trải nghiệm tốt nhất và thoải mái nhất. Cuộc sống hiện đại đã có quá nhiều thứ làm bạn phải bận tâm suy nghĩ, ở Acronym bạn tìm được sự an yên, sự bảo vệ, và tâm thế chủ động trong mọi tình huống hằng ngày.
Đến với Acronym như đưa mình về lại khoảng thời gian của 13-15 năm trước khi mình còn là học sinh cuối cấp mỗi tối cúp học Lý Tự Trọng bon bon đi chiếc Cub Cánh Én lùng sục từng ngóc ngách chợ Bà Chiểu, khu Nhật Tảo, những cái shop “hàng Thái xách tay” như 2Kayz cầu Lê Văn Sỹ, shop Sharks Võ Văn Tần... để săn từng cái quần Pepé, Joker Brand, cái áo LRG, Bape, từng đôi giày second hand. Khi bạn là một đứa nhóc còn ngửa tay xin tiền gia đình, việc mua được một món đồ mình thích là một cái gì đó rất là hào hứng và mối quan hệ của bạn với món đồ đó cũng tăng lên. Cộng thêm cả những mối quan hệ người với người mà bạn xây dựng được trong quá trình “đi săn”, những kiến thức được trao đổi tận tai, những cuộc dòng tin Yahoo! “Ghé 2Kayz nha ku! Có xyz về”... Tất cả những điều đó giúp nâng giá trị của món đồ bạn có được vượt xa số tiền bạn bỏ ra, món đồ từ đó cũng được bạn trân trọng hơn.
Ngày nay khi mọi thứ mình kể trên chỉ còn gói gọn trong lòng bàn tay với vài dòng kí tự không trọn vẹn “WTB...” “CIH...” (buồn cười là vẫn có cúp học ra cà phê ngồi bấm những dòng tin đó) và sự tràn lan vô tội vạ của lô-cồ-bren (lô cồ - loco - tâm thần) làm giảm đi những giá trị, những bản sắc của thời trang đường phố. Mọi người sử dụng món đồ A chỉ vì Sao B mang, dùng những món đồ C chỉ vì nó luôn luôn có sẵn đó mà không còn hỏi vì sao nó có ở đó, không còn quý trọng những chi tiết nhỏ nhặt làm nên câu chuyện đằng sau sản phẩm, thậm chí cũng chả còn quan tâm đến thương hiệu, chỉ cần nó giống thương hiệu XYZ là được. Một món đồ bị pass đi pass lại còn nhiều hơn một con blowup doll của hội sinh viên nam. Có thể chúng ta bước vào một giai đoạn mới của thời trang đường phố, giai đoạn mà tất cả những gì mọi người cần là một set đồ đủ đẹp để được 100 likes 200 likes rồi bán đi và move on tới một cái giá trị ảo khác. Thiết nghĩ chúng ta nên niêm yết giá một cái quần và liệt kê thêm sẽ cộng được bao nhiêu likes cho tổng outfit.
Suốt thời gian tìm hiểu học hỏi về Acronym giúp mình nhận ra quá nhiều thứ trong cuộc sống này đang bị lạm dụng. Mọi người sử dụng nó vì nó luôn có sẵn đó. Khi bạn nhận thức được bạn đang lạm dụng những gì, bắt đầu cảm kích nó và thế giới quang xung quanh bạn, bạn đã bước bước đầu tiên để tăng tầm nhận thức vị trí cá nhân, từ đó làm chủ cuộc sống của mình.
Sounds like a generic self-help bs from a pyramid scheme saleman, so I’d say you do you, just make sure that you ask yourself ”am I really happy doing this? Or just trying to fill up a void?” Anyway, I wish you peace and happiness
NEXT POST:///////////////////////////////
Thanks to Hoàng Lâm và Lê Quốc Anh đã cung cấp tư liệu.